8 Bước Phát Triển Bản Thân - Xây Dựng Thói Quen Mới


Có một mô hình khá nổi tiếng dùng để áp dụng trong doanh nghiệp khi có sự thay đổi lớn diễn ra, tên là Kotter 8-Step Change Management Model. Mình thấy đây là một mô hình rất hay, có thể đem áp dụng cho một cá nhân khi mong muốn thay đổi một điều gì đó của bản thân như bỏ một thói quen xấu hoặc luyện một thói quen tốt. Bản thân mỗi người cũng như một doanh nghiệp, quản trị bản thân cũng như quản trị doanh nghiệp vậy. 8 bước để quản trị sự thay đổi của bản thân đó là:

Nguồn hình ảnh: https://leansixsigmagroep.nl/en/lean-agile-and-six-sigma/kotter/

1/ Bản thân nhận ra lý do cần thay đổi

Muốn thay đổi bản thân, bạn cần có một lý do thật mạnh. Lý do mạnh nhất là lý do xuất phát từ bên trong của mình, không phải do người khác nói. Người khác có thể nói bạn cần tập thể dục đi, đọc sách đi, học tiếng Anh đi – tuy nhiên nếu bạn chưa thấy những việc đó ảnh hưởng gì tới mình thì vẫn chẳng có động lực học. Một ngày nào đó, bạn nhập viện và tốn đồng tiền – khi đó sức khoẻ tự nhiên trở nên quan trọng. Bạn thấy bạn bè đồng trang lứa thăng tiến trong công việc mà mình vẫn dậm chân tại chỗ, tự nhiên thấy tiếng Anh và kiến thức quan trọng. Chính vì vậy, bước đầu tiên khi muốn thay đổi bản thân hay rèn luyện một thói quen nào đó là hãy liệt kê ra một vài lý do vì sao mình muốn có sự thay đổi này? Lý do càng cấp bách, càng gần gũi với hoàn cảnh cá nhân, mình càng có động lực hơn để làm.

Ví dụ, bản thân mình phải từng đi viện mổ hậu môn, không có bảo hiểm nên tốn mấy chục triệu. Từ lý do này, mình thấy việc có bảo hiểm và ăn rau rất là quan trọng (tuy rằng trước đó đã đầy người nói với mình điều này).

2/ Gắn sự thay đổi với một người hoặc một việc đang hiện hữu

Trong doanh nghiệp, để thúc đẩy sự thay đổi diễn ra thành công và trơn chu, người chủ doanh nghiệp cần lập một liên minh những người ủng hộ sự thay đổi đó.

Trong chuyện cá nhân, mình có thể lập ‘liên minh’ với người khác hoặc là ‘liên minh’ gắn việc mong muốn làm được với một việc đã làm được.

Lập liên minh với người khác là rủ bạn bè tham gia cùng thử thách thay đổi với mình hoặc tham gia vào một cộng đồng những người có cùng chung chí hướng muốn thay đổi. Ví dụ, rủ bạn tham gia cùng chạy bộ, hoặc tham gia vào một nhóm Cùng nhau dậy sớm 5AM trên FB. Có người làm cùng là một tác nhân có thể giúp bản thân mình duy trì một thói quen tốt được lâu hơn. Có nhiều việc khi làm một mình mình có thể lười ngại làm, nhưng vì ngại người khác mà phải ráng làm cho xong. (Đã hẹn bạn đi chạy rồi không lẽ bỏ bom người ta).

Lập liên minh với việc đã làm tốt là khi bạn gắn một thói quen đang muốn có với một thói quen bạn đã làm quen thuộc lâu này. Ví dụ bạn đang mong muốn xây dựng thói quen nghe sách, bạn có thể tận dụng một việc làm hàng ngày là “đi học/đi làm bằng xe bus/xe máy” và gắn tai nghe tranh thủ nghe các đầu sách. Hoặc gắn việc nghe sách với tập gym, chạy bộ nếu bạn đang tập mỗi ngày. Mình hay nghe sách tiếng Việt trên ứng dụng Fonos, các bạn có thể tại tại đây.

3/ Tạo ra mục tiêu cho sự thay đổi

Làm việc gì cũng cần mục tiêu, đích đến, đây là chuyện không thể bàn cãi.

Từ bỏ một thói quen xấu hay rèn luyện một thói quen tốt cũng cần mục tiêu rõ ràng. Mục tiêu rõ ràng là mục tiêu đo lường được, cụ thể, có thời gian. Bạn cần đặt mục tiêu theo phương pháp S.M.A.R.T dưới đây.

  • Specific: mục tiêu đó đã cụ thể hay chưa?
  • Measurable: mục tiêu đã có số liệu đo lường hay chưa?
  • Achievable: mục tiêu có khả thi trong tầm với hay không?
  • Relevant: mục tiêu đã liên quan đến những trọng tâm trong cuộc sống mình chưa?
  • Timely: đã có thời gian hoàn thành hay chưa?

Ví dụ, mọi người thường nói chung chung là tôi muốn học tiếng Anh, tôi muốn giảm cân, tôi muốn tập thể dục. Đó không phải là mục tiêu, mục tiêu rõ ràng là: “tôi muốn học được 1000 từ tiếng Anh trong 3 tháng”, “tôi muốn giảm 5kg trong 6 tháng”. Nhớ là phải có số liệu, thời gian.

4/ La to cho cả thế giới

Một trong những cách thúc đẩy bản thân thực hiện mục tiêu tốt hơn là la to mục tiêu của mình cho cả thế giới biết. La càng to, bản thân càng biết ngại mà cố gắng làm cho được. Bạn có thể ‘la’ với người trong gia đình, vài đứa bạn thân hoặc với toàn bộ người lạ trên mạng xã hội.

5/ Bắt tay vào hành động

Rất dễ để lên mục tiêu, nhưng rất khó để bắt tay vào hành động. Ví dụ mình thường đùa rằng viết một cuốn sách 150 trang không khó, khó là khi bắt tay vào viết trang đầu tiên. Khi đã có trang đầu tiên thì tự nhiên các trang tiếp theo tự tuôn ra.

Não bộ con người hay lắm, nó nghĩ đủ lý do để trì hoãn khiến mình không hành động. Chính vì vậy, nếu bạn đã có đủ lý do, đã lên mục tiêu, đã thông báo cho mọi người – bước tiếp theo là bắt tay vào hành động.

Cá nhân mình cho rằng, hành động mỗi ngày giúp tăng khả năng hoàn thành và duy trì được thói quen mới lâu hơn. Thay vì đặt mục tiêu mỗi tuần tập thể dục 3 buổi, mỗi buổi 1 tiếng – thì 5-10 phút duy trì mỗi ngày có giá trị hơn nhiều. Hãy bắt đầu nhỏ và duy trì mỗi ngày.

6/ Tạo một số cột mốc chiến thắng

Một trong những cách để duy trì mục tiêu lâu dài là có những cột mốc khác nhau ghi nhận lại việc bản thân đã chiến thắng chính mình. Chính vì thế, nên có những mục tiêu đạt được theo ngày, theo tuần, theo tháng. Khi đạt được một cột mốc như thế, mình tự thưởng cho bản thân một phần thưởng – có như vậy mới có động lực làm tiếp. Chứ làm mãi làm hoài mà thấy đích vẫn còn xa thì rất là nản. Đó là lý do trong việc đầu tư, mọi người thích ‘lướt sóng’ gấp X lần tài sản dù nhiều rủi ro hơn so với việc đầu tư lãi 5-10% trong 30-40 năm.

7/ Duy trì hoặc điều chỉnh

Duy trì tức là cứ tiếp tục làm các bước mình đang làm nếu mình cảm thấy mục tiêu mình đang theo đuổi là ổn. Tuy nhiên cuộc đời thực tế có thể không giống kế hoạch. Có nhiều việc xảy ra ngoài dự kiến có thể khiến mình chưa hoàn thành được kế hoạch đề ra. Khi đó, bạn đừng vội nản mà bỏ hết không làm nữa – hãy coi chuyện thất bại như một lẽ đương nhiên, một phần cần phải có trên hành trình thay đổi này và bắt tay vào điều chỉnh lại. Bạn sẽ điều chỉnh từ bước 3 – viết lại mục tiêu cho phù hợp, sau đó làm Bước 4 – thông báo cho mọi người, Bước 5 – bắt tay vào hành động và có những phần thưởng cho riêng mình.

8/ Lan toả thành công

Giả như bạn thành công trong việc thay đổi bản thân, tức là nay tiếng Anh của bạn đã tốt hơn, sức khoẻ đã cải thiện, bạn có nhiều tiền hơn – hãy lan toả những điều bạn học được đến nhiều người khác. Có nhiều cách để lan toả, như tham gia các chương trình của các em sinh viên, viết chia sẻ như thế này, hoặc đơn giản là kể lại kinh nghiệm của mình với những người xung quanh. Lan toả những điều tích cực là cách để bản thân mình cũng trở nên tích cực hơn.

Chúc các bạn thay đổi thành công.

Nguồn: anhtuanle.com

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Kỉ niệm Facebook phòng khám tai mũi họng

THS.BS. TRẦN KHÔI NGUYÊN

Từ vựng tiếng Anh chuyên ngành Tai Mũi Họng (English In E.N.T) (PHẦN 1)

THS.BS. TRẦN KHÔI NGUYÊN

Suy Ngẫm Về Hạnh Phúc (Happiness)

Dị Vật Mũi

Chế độ dinh dưỡng cho người men gan cao